MẸ CHỒNG

(Đây không phải là một tút nghị luận về vấn đề xã hội gây nhức nhối, mà chỉ là một câu chuyện nhạt nhẽo dài dòng và vô nghĩa.)

.

Tôi gặp bà lần đầu tiên ở ngoài sân bóng, tôi đi xem anh ấy đá cùng với đồng nghiệp và các anh em họ trong nhà. Bà mặc một bộ đồ ở nhà, khoác áo khoác nỉ, đi dép lê và tóc búi một cục sau ót, y như bộ dạng của má tôi ở nhà vậy. Bà ngồi ở một băng ghế cổ vũ khác cách ghế tôi đang ngồi vài mét, khẽ khàng quan sát tôi.

Tôi mặc áo thun, chân váy ngắn, tóc ngắn hơn vai lởm chởm chẳng theo cái kiểu nào vì cách đó mấy hôm tôi vừa túm lên cắt phăng đi. Nhìn tôi sáng sủa, nhưng lầm lì, và mắt còn hơi sưng vì vừa khóc xong. Khi đó, tôi chưa yêu con trai bà, với tôi, anh đơn thuần chỉ là bạn tình. Và tôi vô cùng mong muốn mối quan hệ không- nghiêm-túc đó kéo dài. Nên việc gặp bà không làm tôi áp lực.

Hết trận đấu, anh đến rót nước cho tôi uống, chỉnh lại áo khoác của tôi và xin phép bà đưa tôi về nhà. Tôi chào bà, lễ phép và lịch sự.

Lần thứ hai gặp bà, tôi đã là bạn gái của anh được hai tuần, tôi vẫn không yêu anh, và luôn nỗ lực từ bỏ tất cả mọi nỗ lực của anh.

Tôi gặp bà dưới bếp. Bà đang lúi húi nấu mì vịt tiềm, và câu chuyện bắt đầu trong gian bếp chỉ chừng 4 mét vuông, với nồi nước dùng đang sôi, bà đang dở tay trụng mì còn tôi hì hụt húp sột soạt. Tôi không nhớ bà đã hỏi tôi cái gì nữa, nó không giống như những buổi “ra mắt nhà bạn trai” một cách long trọng và nghiêm túc mà tôi từng biết. Mỗi khi nhớ lại ngày hôm đó, ký ức của tôi là một mùi vị ấm áp tràn ngập trong lòng.

Sau đó anh thường kiếm chuyện dắt tôi về nhà. Ban đầu là một buổi, rồi một ngày, dần dần, cuối tuần nào tôi cũng ở nhà anh. Nơi đó làm tôi nguôi nỗi cô đơn vẫn âm thầm tồn tại suốt nhiều năm xa nhà. Ba má tôi ở nhà cũng ấm áp và hiền dịu y như thế.

Tôi dần dần nhớ hết tên người nhà anh, dần phân biệt được má tư và má bảy. Mấy con chó khu nhà anh cũng không còn sủa tôi nữa, mới đầu, chúng nó cứ dí mũi vào hít lấy hít để dưới chân tôi, về sau, chúng nó quẩy đuôi mừng khi vừa thấy tôi ngoài cổng, sau nữa, chúng còn biết nghe lời khi tôi la lối.

Tôi nhìn anh cũng thấy thuận mắt hơn.

Má tôi đã được nghe tôi kể nhiều lần về người nhà anh, bà tỏ vẻ nghi ngờ về sự tốt bụng đến kỳ lạ của những con người ở đó. Nhưng hơn hết, điều làm bà thấy nghi ngờ nhất là thái độ của tôi.

Trong mắt bà, tôi là một đứa lập dị kì quái, tôi không vừa mắt bất kỳ ai và ghét chỗ đông người, tôi không nhận dòng họ nội vì cho rằng họ sống vô đạo đức, tôi không nhìn mặt vài người dì vì họ sống không vừa ý tôi, tôi cắt đứt quan hệ với người anh trai ruột thịt duy nhất, người anh mà tôi yêu thương suốt thời thơ ấu, vì anh ấy bất kính với cha tôi. Một người như tôi, bỗng dưng yêu thương kính trọng một đám “người dưng” hoàn toàn xa lạ và hoàn toàn hòa hợp không một chút khó chịu khi sống giữa đám đông đó. Bà tin sự lựa chọn của tôi, nhưng tò mò.

Tôi dọn về sống chung với nhà chồng sau đó không lâu, vì chị họ anh ngỏ lời “về đây ở cho vui, khỏi xa xôi mưa gió, khỏi nhớ nhung cách trở”. Lúc đó, bọn tôi đã quen nhau được 4 tháng, tôi bắt đầu có cảm giác với anh.

Những tháng ngày “sống thử” với nhà chồng kỳ diệu thay khiến tôi có cảm giác mình bây giờ mới đang sống thật. Mẹ dắt tôi đi khắp nơi giới thiệu tôi là con gái ngang hông của bà, dạy tôi những thứ mà tôi không biết. Cha đi đâu cũng kể về tôi đầy tự hào, ông đi làm về, mở cửa, câu đầu tiên là gọi “bé ơi”, gọi tôi đó.

Má tôi bắt đầu viện lí do để lên “tìm hiểu” nhà người-yêu của tôi. Bà dắt ba tôi lên Sì Gòn khám bệnh. Cha mẹ tôi khẩn trương lắm, bà hỏi tôi má tôi thích ăn gì, ông hỏi tôi ba con có thích uống trà không? Tôi còn nhớ hôm đó tôi bê nồi canh lên như mọi khi thay vì múc ra tô, mẹ tôi gõ đầu la tôi con gái hư, nhà có khách mà vô ý vô tứ. Như thể tôi mới là con gái bà vậy.

Ba má tôi lên, rồi về. Cha mẹ tôi nói: ba má mày dễ thương quá. Ba má tôi nói: cha mẹ mày tốt quá. Từ đó, ba má tôi cứ mỗi tháng là lên “thăm” tôi một lần. Từ đó, má tôi không thèm gọi hỏi han tôi mỗi ngày nữa. Cũng từ đó, tôi không muốn gọi mẹ tôi là mẹ chồng khi kể về bà với người khác nữa. Với tôi, bà là mẹ, mẹ của người đàn ông tốt nhất trên đời, cũng là mẹ tôi.

Chồng tôi sau này kể, những ngày đầu quen tôi, những ngày vật lộn đấu tranh với sự chán nản và từ bỏ của tôi mỗi ngày, có lần, mẹ mắng anh vì ngày nào cũng đi làm mệt mà còn về nhà khuya. Anh đã khóc. Anh nói với bà rằng: con xin lỗi vì đã làm mẹ lo lắng, nhưng giờ con lỡ yêu người ta rồi, mẹ chửi con đánh con cũng được, con cũng đành chịu thôi. Người phụ nữ đó, thay vì đố kỵ và lồng lộn lên vì cảm giác bị con trai mình “phản bội”, từ giây phút ấy, đã lựa chọn cách thương tôi vô điều kiện.

Tôi ở nhà chồng, hạnh phúc và vô tư như một đứa trẻ, đôi lúc quên mất mình đang sống ở nhà chồng, quên luôn mình còn thiếu thủ tục lấy chồng. Một ngày, bà biến mất cả buổi sáng, trưa về báo với chúng tôi ngày cưới, tôi ngớ người: “Ơ sao phải cưới sớm vậy mẹ? Bà nói, mày không chịu lấy chồng, tao không nấu cơm cho mày ăn nữa. Tôi đầu hàng, chuyện cưới xin coi như quyết định.

Ngày lễ “ra mắt”, không như các cô dâu khác ở nhà đẻ chờ nhà chồng sang. Tôi xuất phát từ nhà chồng, cùng với cha mẹ và chồng tương lai về nhà tôi hỏi cưới tôi. Đi về trong ngày, tôi mệt mỏi nôn ói nằm bẹp cả ngày hôm sau, mẹ tôi phải nấu cháo, đắp khăn hạ sốt cho tôi, bà đi làm, cứ 2 tiếng phải gọi về xem tôi có ổn không. Cha tôi đi làm gần nhà hơn, cứ nửa buổi lại chạy về một lần.

Tròn 1 năm ngày “sống thử”, chúng tôi đi đăng ký kết hôn. Mẹ tôi trông thấy rất hài lòng, thường xuyên nhắc nhở tôi giữ gìn sức khỏe đừng để đến hôm cưới lại lăn đùng ra bệnh.

Tôi lên mạng, thấy các cô các chị kể xấu mẹ chồng khắp nơi. Mà nhìn lại quanh mình, tôi không thấy người mẹ chồng nào xấu như họ kể hết. Kể cả bạn bè tôi nữa, không phải mình tôi.

Tết tôi về nhà ba má, nhớ mẹ đứt gan đứt ruột. Mà mẹ cũng nhớ tôi, ngày nào bà cũng gọi điện dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe, đợi bà xuống thăm, trước khi cúp máy khẽ khàng hỏi: “Vậy… khi nào mày về?” Bà dặn đừng kể má tôi biết, sợ má tôi nghĩ bà giành con của bả. Trời đất ơi, má tôi có thèm tôi đâu, hic.

Có những người không hài lòng về cách sống quá thoải mái “thiếu thuần phong mỹ tục” của tôi, họ rủa tôi rằng mưa đến đâu mát mặt đến đó, ai biết con người tốt được bao lâu? Tôi chỉ cười.

Mỗi khi nghe những lời đó, tôi lại nhớ dáng mẹ tôi cặm cụi sau bếp nấu nồi củ cải kho, hay cuốn đống gỏi cuốn mà mấy hôm trước tôi nói tôi thèm, tôi nhớ ánh mắt mẹ sáng lên niềm tự hào khi giới thiệu với người ta tôi là con gái mẹ, tôi nhớ những lần mẹ tịch thu điện thoại bắt tôi đi ngủ vì tôi ốm, rồi đột ngột quay lại mở cửa phòng xem tôi đã ngủ thật chưa, mắt lườm lườm, miệng lầm bầm: “Chưa ngủ thì mày liệu hồn”. Tôi nhớ ngày tôi về “ra mắt”, đến nơi sớm quá cả nhà phải thuê phòng nghỉ lại đợi giờ hoàng đạo, tôi đến tháng bất ngờ, mẹ đội mưa đi mua băng vệ sinh cho tôi, lúc về, ống quần mẹ đầy bùn đất. Má tôi biết chuyện, rươm rướm nước mắt hỏi tôi: “Sao bả thương mày dữ vậy hả Linh?” Hỏi tôi, tôi hỏi ai bây giờ?

Sao mẹ lại thương con nhiều quá vậy mẹ?

Scroll to Top