TÂM LÝ “PHẢN NGHỊCH” CỦA TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

Có hai điều mình phản đối ở những người mẹ gây ra nhiều tranh cãi, mà suốt nhiều năm rồi vẫn chưa có lý lẽ trái chiều nào thuyết phục được mình hay làm mình giảm đi sự chắc chắn với quan điểm của mình.

  1. Dạy những đứa con của mình những điều không hay về bố nó:

Một người chồng tồi tệ không chắc chắn sẽ là một ông bố tồi tệ. Chồng bạn đối xử tệ với bạn, bạn có quyền bỏ chồng. Bạn mất chồng, nhưng những đứa con bé bỏng của bạn vẫn còn bố. 

Bố nó bất tài vô dụng, phản bội, ngoại tình, lạc lòng bởi những niềm vui khác bên ngoài xã hội, nhưng đứa trẻ của bạn đã đủ lớn để hiểu chưa? Chúng còn quá nhỏ, còn ngây thơ và đáng yêu biết bao, chúng xứng đáng được sống trong sự ngây thơ đó, có một người mẹ dịu dàng và một ông bố trách nhiệm. Với nó, vậy là đủ.

Hãy bình tĩnh nhìn vào mắt chúng khi chúng hỏi tại sao bố mẹ không ở bên nhau, tại sao bố lại ở bên người khác, và trả lời rằng: bố mẹ không còn yêu nhau nữa nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến việc bố mẹ yêu con cả. Rồi hãy để chúng biết rằng mẹ chúng vẫn dịu dàng ôm ấp vỗ về chúng, còn bố vẫn là vòng tay vững chắc bế chúng trên đầu, dắt chúng đi chơi mỗi cuối tuần. 

Tại sao tôi phải làm vậy khi trái tim tôi đầy ắp nỗi đau và thù hận, trĩu nặng những tổn thương vì bị phản bội, bị lừa dối, bị xem thường…?

À, vì việc bạn bị tổn thương không thể trở thành lý do chính đáng để bạn đi tổn thương người khác, nhất là khi người khác đó là một đứa trẻ, mà đứa trẻ đó còn là con của bạn.

Khi bạn bắt gặp một bé gái 4, 5 tuổi chỉ vào mặt một người phụ nữ trẻ tuổi và hét lên “đồ con đĩ” và cười sằng sặc, bạn cảm thấy gì? Có cảm thấy hả hê thay cho mẹ đẻ của nó vì được làm muối mặt “con đĩ giật chồng” mình mà nó chẳng trả đũa được gì hay không?

Bốn ngày trước tôi đã nhìn thấy cảnh đó, và điều duy nhất tôi cảm nhận được là sự đau đớn và phẫn nộ. Một đứa trẻ xinh xắn đáng yêu bị sự ích kỷ của người sinh ra nó làm vặn vẹo méo mó hoàn toàn, mở miệng nói ra những lời không phù hợp với lứa tuổi, được tiêm vào đầu những suy nghĩ căm hận khi nó hãy còn chưa kịp hiểu thù hận nghĩa là gì. Rồi nó sẽ như thế nào, sau 5, 10 năm, 20 năm nữa? Tôi cũng có con gái, tôi thậm chí còn không dám mường tượng điều đó nữa kìa.

Có đợt tôi đọc được một poll trong một diễn đàn phụ nữ với câu hỏi chủ đề rất đơn giản: Nếu người đàn ông bạn yêu phải phản bội bạn hoặc phải chết và bạn là người được lựa chọn, bạn sẽ chọn gì. Trái ngược với suy nghĩ của tôi, 82% vote chết. Nếu anh phản bội tôi thì thà anh chết đi còn hơn.

Nghe thật rùng rợn! 

Hoặc do tôi đã suy nghĩ quá đơn giản, rằng sinh mạng con người quý giá hơn tất cả, và rằng bị lừa dối thì có đau thật đấy, nhưng chẳng có ai vì lừa dối ai mà xứng đáng phải chết cả.

Những người mẹ (và mẹ tương lai) mang đầy thù hận này, liệu có thể giữ chừng mực cho lương tâm của mình, đủ để chỉ dạy con họ những điều hay lẽ phải mà thôi, hay không?

 

  1. Những cô gái không lấy chồng nhưng muốn chủ động “tìm giống” để làm mẹ đơn thân.

Có người nói với tôi họ giàu có, độc lập, nghị lực, tự chủ, mạnh mẽ, tài năng… vì vậy họ dư sức cho con của họ một cuộc sống đủ đầy sung túc cả về vật chất lẫn tinh thần, mà không cần một người đàn ông nào cả.

Họ, vì lý do nào đó, sợ lập gia đình, sợ ràng buộc, sợ làm dâu, sợ phải “hầu hạ” chồng. Họ muốn chủ động tìm đâu đó một nguồn gen tốt, lặng lẽ mang thai, sinh con rồi nuôi con, mà thậm chí “nguồn gen” kia còn không biết sự tồn tại của đứa con đó.

Một đứa trẻ không phải chỉ cần cơm là có thể lớn lên, không phải chỉ cần chữ là có thể thành người, không phải chỉ cần manh áo là đủ cho sự ấm áp.

Bạn sẽ trả lời ra sao nếu một buổi chiều đứa con 4 tuổi của bạn sau một ngày ở trường, buồn bã hỏi bạn: “Mẹ ơi, bố con là ai?”

Bạn sẽ nói gì khi cậu bé/ cô bé 6 tuổi nước mắt lưng tròng hỏi bạn: “Mẹ ơi, sao bố không đón con đi học về?”

Khi cậu bé đó 7 tuổi, bị bạn học bắt nạt ở trường vì không có bố

Khi cô bé đó 8 tuổi, đánh bạn học vì bị sỉ nhục là “con hoang không cha”

Khi nó 9 tuổi, 10 tuổi, 11 tuổi… bao lần đau đáu hỏi về “bố”

Rồi khi cũng đứa trẻ đó, dường như vỡ ra điều gì, mãi mãi không bao giờ còn hỏi về “bố” nữa?

Bạn có thể là mẹ, là đại gia, là doanh nhân thành đạt của công chúng, là nữ cường nhân trong lòng người hâm mộ, là nhà lãnh đạo tài ba trong lòng nhân viên… nhưng mãi mãi, bạn sẽ không thể trở thành “bố” của con bạn. Mãi mãi không.

Bạn không có quyền tước đoạt “quyền được có bố” của con mình khi nó còn chưa được sinh ra! Thà là bạn yêu đương, rồi kết hôn sinh con, rồi không hạnh phúc, hai bạn chia tay, trách nhiệm đầy đủ với con mình, đó là trường hợp bất khả kháng. Nếu “giữ bố cho con” là một quan điểm nhảm nhí, thì “không cần cho con có bố” là một điều nhảm nhí gấp trăm lần!

Khi nó chỉ còn là một quả trứng trên buồng trứng trong bụng bạn, nó đâu có mượn, hay yêu cầu, hay van xin bạn đẻ nó ra? Vậy cớ gì bạn cưỡng chế nó trở thành một sinh linh, cưỡng chế nó thành người, rồi ngang nhiên cướp đi quyền cơ bản mà một con người phải có của nó? Nếu bố nó tồi tệ kinh tởm, khi nó lớn đủ nhận thức nó có quyền xa lánh. Nhưng bạn chỉ là mẹ nó, bạn lấy quyền gì quyết định cho việc nó được có bố hay là không? 

Có ai đó nói với tôi, thụ tinh nhân tạo cho một cô gái độc thân trở thành mẹ đơn thân là một việc làm nhân đạo phù hợp với mong muốn của con người. Đúng, nó là nhân đạo, nhưng là nhân đạo với người mẹ và là bất nhân với đứa trẻ! Phải chăng vì đứa trẻ đó chưa ra đời, nên người ta có quyền xem nhẹ nhân quyền của nó?

Nếu bạn không muốn lập gia đình, mà vẫn muốn có con, hãy nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi, bởi vì cuộc sống của đứa trẻ đó kiểu gì cũng sẽ tốt hơn khi được làm con bạn, còn đứa trẻ từ trong bụng bạn chui ra thì chưa chắc, vì nếu nó được chọn lựa, biết đâu nó sẽ chọn không chui ra còn hơn đấy.

Scroll to Top