5 GIAI ĐOẠN CẢM XÚC CỦA QUÁ TRÌNH “CHIA TAY”

Khi tôi và vài đứa bạn kể về cách kinh điển để quên một người, là có ngay một người khác, có nhiều anh chàng “lên án” chúng tôi vô tình vô nghĩa. Tôi chỉ thầm chửi các anh ngu thôi, chứ cũng không trách cứ gì.

Bởi lẽ chia tay là một quá trình, và cách mà đàn ông và đàn bà trải nghiệm nó trái ngược hoàn toàn nhau. 

Với đàn ông, sự chia tay chỉ bắt đầu sau lời chia tay, khi họ chính thức rời xa nhau và anh bắt đầu gặm nhấm nỗi cô đơn riêng mình anh. Tự hỏi anh đã làm gì sai, anh không tốt chỗ nào khiến cô ấy quyết tâm rời bỏ anh đến thế. Những câu hỏi đó xoáy chặt lấy anh, khiến anh hoang mang tột độ, đưa anh đi hết năm cung bậc cảm xúc thường gặp khi đối mặt với một sự mất mát: chối bỏ, giận dữ, thương lượng, suy sụp chấp nhận.

Nhưng với phụ nữ thì không như vậy, quá trình chia tay đến với cô ấy sớm hơn anh, thường là sớm hơn rất nhiều.

  1. Cô ấy bắt đầu “chối bỏ” khi nhìn ra những dấu hiệu khác từ anh: những sự vô tâm kéo dài, những trận cãi vã liên tục hay những lần anh bỏ mặc cô ấy. Cổ chối bỏ bằng cách nghĩ ra những lý do cho anh: anh ấy bận chứ không phải cố ý quên mình, anh ấy mệt chứ không phải không quan tâm mình… lý do gì cũng được, tóm lại anh ấy không phải là người như thế 
  2. Giai đoạn 2 bắt đầu khi cô ấy nhận ra: thì ra anh ấy thật sự là người như thế. Cô ấy bắt đầu tức giận, khó khăn, xét nét, lúc nào cũng mang đầy năng lượng của một quả bom nổ chậm sẵn sàng bùng nổ
  3. Và khi nhận ra rằng hình như giận dữ chẳng mang lại kết quả gì cả, cô ấy bắt đầu bình tĩnh ngồi xuống và thương lượng. Hãy nhớ tới những lần cổ gần như chực khóc hỏi anh: “Liệu anh có thể quan tâm đến em nhiều hơn hay không?”, “Liệu anh có thể đến đúng giờ hẹn hay không?” hay “Nếu em cố gắng sắp xếp thời gian của mình, anh cũng có thể sắp xếp thời gian của anh để mình được bên nhau nhiều hơn hay không?”, “Nếu em cố gắng để trưởng thành, liệu tình cảm này có thể nghiêm túc hơn được hay không?”
  4. Sau đó khi những thương lượng, theo một cách nào đó, bất thành, cô ấy bắt đầu tuyệt vọng. Cô dường như không còn thiết tha gì nữa: không muốn tranh chấp, không muốn cãi nhau, không muốn tiếp tục nhưng cũng không có dũng khí từ bỏ. Chỉ muốn thật yên tĩnh một mình để nhớ về những tháng ngày tươi đẹp đã qua cách đây hơn 800 năm ánh sáng.
  5. Khi mà sự suy sụp không còn nữa, cũng là khi sự kết thúc bắt đầu. Khi cô ấy nhận ra rằng: chẳng còn cách nào khác ngoài chấm dứt. Lúc đó, mới là thời điểm cô ấy nói lời chia tay với anh.

Có buồn không? Buồn chứ, kết thúc nào cũng đáng buồn cả.

Còn yêu không? Còn chứ, có thể là còn yêu rất nhiều nữa là đằng khác. Nhưng cô ấy đã không còn sinh lực để tiếp tục với tình yêu đó nữa, nói theo ngôn tình là “cánh cửa ấy đã hoàn toàn đóng lại”, theo ngôn ngữ game là “hết mạng rồi, chơi lại ván khác đi bạn ơi”. Còn nói theo ngôn ngữ của tôi là: “Hey girl, it’s time to find another guy rồi đó!”

Đó là lý do sau khi kết thúc một tình yêu, phụ nữ thường sớm sẵn sàng cho một tình cảm mới, dù là thoáng qua hay lâu dài, vì với họ, sự kết thúc đã thật sự kết thúc. 

Nói chung sự chia tay nào cũng buồn, và khi một tình yêu kết thúc thì ai trong cả hai cũng là kẻ thất bại hết, chỉ chưa biết là ai đứng lên sớm hơn, đi xa hơn. Vậy nên nếu không muốn sự kết thúc trong mỗi người phụ nữ được khởi động, thì hãy trân trọng họ, như lời anh đã hứa ngày anh tán đổ cô ấy, đừng để mọi thứ kết thúc bằng việc cô ấy tán vào mặt anh.

Scroll to Top