“Thoả thuận” với con

 

Tôi và bố mẹ đẻ của mình có một quy tắc ngầm: dưới 18 tuổi, tôi nghe lời ông bà; đủ 18 tuổi, ông bà nghe tôi.

 

Tôi là con một, ông bà già tôi nay đã gần mấp mé U70, nghĩa là khi bắt đầu sinh tôi và tiến hành giáo dục, hệ tư tưởng của thời kỳ đó vẫn còn nhiều thứ kém văn minh, nhưng ông bà, theo một cách kỳ diệu nào đó, đã thoát gần như hoàn toàn khỏi hệ tư tưởng đó. Tôi nói là gần như, vì sẽ có những điều không tránh được khỏi cách biệt thời đại, mà tôi sẽ kể sau.

Chúng tôi nghiêm túc thực hiện quy tắc của mình. Dưới 18 tuổi, bố mẹ tôi yêu cầu ở tôi sự tuân thủ tuyệt đối với mọi yêu cầu của ông bà. Mẹ tôi nói một là một, hai là hai, nài nỉ ỉ ôi vô ích. Khi muốn ngăn cản tôi một điều gì đó, mẹ tôi nói rằng: má KHÔNG CHO PHÉP con làm vậy, là vì… (lý do). Và việc giải thích này sẽ không bao giờ lặp lại hai lần.

 

Khi tôi phạm lỗi nặng, ông bà có đánh tôi chứ, nhưng mà bắt tôi nằm sấp xuống và đánh bằng thước bảng hoặc roi mây, nói lý do trước khi đánh và không quên hỏi lại tôi rằng: ba/má có nói oan cho con không? Tuyệt nhiên không có lời nói miệt thị hay hành động sỉ nhục.

 

Sau khi đánh tôi xong, một người sẽ xoa dầu cho tôi còn một người thì ra góc nào đó ngồi khóc.

 

Tôi chào đón tuổi 18 bằng trận nổi loạn đầu tiên khi nhất quyết đòi đi học xa thay vì làm đứa con an phận sống trong cái vòng tròn an toàn mà bố mẹ (dự định) vẽ tiếp cho tôi.

 

Thật ra khi đó tôi chưa tròn 18, nên theo “nguyên tắc”, đáng ra vẫn phải nghe lời bố mẹ. Nhưng vì tôi sâu sắc nhận ra rằng đây là một quyết định ảnh hưởng lớn đến khoảng đời “sau khi 18” của tôi, nên tôi quyết định phản kháng. Và tôi thành công, sau rất nhiều phương án thất bại (khóc lóc ỉ ôi dọa dẫm tuyệt thực nhờ họ hàng trợ giúp), cuối cùng tôi dõng dạc tuyên bố: “Giờ con sẽ đi, ba má nếu thích có thể đi theo vài hôm cho yên tâm, còn không thích có thể ở nhà, miễn tranh luận thêm.” Thật bất ngờ, ông bà nói ngay: “OK.”

 

Kể từ đó về sau, không một lần nào trong đời bố mẹ tôi can dự vào cuộc sống của tôi nữa.

Tôi và má tôi nấu cháo điện thoại mỗi ngày, bà quan tâm hôm nay tôi đi làm hay đi học, tôi vui hay tôi buồn, tôi có khỏe như hôm qua hay không, ở chỗ tôi trời nắng hay mưa, nếu mưa nhớ phải mặc áo mưa và đừng làm việc quá sức. 

 

Thỉnh thoảng, ba tôi (vốn là một người ít nói) ghé ngang vài câu nói rằng ông nhớ và mong tôi sẽ về chơi vài ngày nếu tôi không bận, mong tôi giữ gìn sức khỏe và luôn thoải mái về tinh thần.

 

Khi tôi nói với bố mẹ tôi một vấn đề nào đó, nghĩa là tôi đang kể chuyện, hoặc thông báo. Nếu tôi hỏi rằng má cảm thấy con làm vậy có đúng không? Mẹ tôi sẽ cho ý kiến, rằng: “Má CẢM THẤY con nên làm khác đi một chút”, “má NGHĨ LÀ con làm cách kia sẽ tốt hơn. NHƯNG, TÙY CON.”

 

Kể từ giây phút đủ trưởng thành, tôi đã được ông bà trao cho quyền tự do, quyền riêng tư và sự tôn trọng tuyệt đối.

 

Khi tôi có người thương, tôi gọi cho mẹ nói: “Con quen bạn trai nha.” Mẹ tôi nói: “OK.”

Khi tôi muốn dắt anh ấy về, tôi gọi cho mẹ và nói: “Ngày X con dẫn bạn trai về nha.” Mẹ tôi nói: “OK.”

 

Khi tôi có kế hoạch cưới, tôi nói: “Tháng 3 ngày tụi con sẽ chụp hình cưới.” Mẹ tôi nói: “OK.”

 

Khi chuẩn bị chia tay, tôi gọi cho mẹ vào buổi sáng, báo rằng: “Chiều nay con và anh ấy sẽ chia tay.” Mẹ tôi hỏi: “Con ổn không?”. Tôi nói con ổn. Con chỉ cần yên tĩnh vài ngày. Mẹ tôi lại OK.

 

Không phải vì bà không yêu hay không quan tâm tôi, mà là mẹ tôi, có một niềm tin tuyệt đối là tôi làm chuyện gì cũng đúng đắn. Nếu như quyết định nào đó của tôi trông có vẻ không ổn, bà sẽ tự động nghĩ rằng có một lí do nào đó mà tôi chưa nói với bà, khiến mọi chuyện trở nên đúng đắn theo cách của nó.

 

Tôi nói tôi có người yêu, bà tự hiểu rằng đó sẽ là một người tốt. 

 

Tôi nói tôi sẽ dẫn người đó về, bà tự hiểu rằng tôi đã thương người đó, và bà bắt đầu làm quen với việc thương anh ấy nếu như anh ấy cũng thương tôi. 

 

Tôi nói tôi sẽ cưới, bà tự hiểu rằng tôi đã có lựa chọn cho cuộc đời mình. 

 

Tôi nói tôi sẽ chia tay chồng sắp cưới, bà tự hiểu rằng tôi đã nhận ra lựa chọn trước đó là sai lầm.

 

Nói bà tin tôi, thay vì nói bà tin tưởng cách dạy con của mình, rằng tôi có thể thất bại nhưng sẽ không gục ngã, có thể yếu đuối nhưng sẽ không đầu hàng.

.

Tôi thấy nhiều vị phụ huynh ở đây gặp vấn đề trong việc kết nối với con cái. Thực ra, điều đó không quá khó. Chúng chỉ cần sự tin tưởng, và chỉ cần các anh chị có nguyên tắc cố định không thay đổi để thực hiện việc tin tưởng đó, và trao đổi với những đứa con mình về điều đó. Tôi tin rằng chúng sẵn sàng thực hiện toàn bộ những nguyên tắc đó để đổi lấy sự tin tưởng từ các anh chị.

 

Khi tôi chưa đủ 18, tôi có đôi lần ấm ức vì mẹ tôi thường rất cứng nhắc khi yêu cầu tôi làm hoặc không làm điều gì đó.

 

Nhưng thỉnh thoảng bà sẽ ngồi riêng với tôi, vuốt tóc tôi hoặc ôm tôi vào lòng và chia sẻ, rằng mẹ có lí do để ngăn cản hoặc khuyến khích con với những điều đó, rằng sau này khi con đủ trưởng thành, con sẽ tự hiểu mà không cần mẹ phải giải thích một lời nào. Và rằng khi con trở thành một người lớn, bước đi trên con đường riêng của mình, chắc chắn sẽ có những điều con làm, mà bởi vì cách biệt thế hệ, mẹ không tài nào hiểu nổi, nhưng mẹ vẫn giữ niềm tin tuyệt đối rằng con luôn đúng đắn, bởi vì mẹ tin rằng những nguyên tắc hôm nay giữa chúng ta, có một sự ảnh hưởng nhất định đến những nguyên tắc mà sau này con sẽ tự đặt ra cho chính mình.

 

Và bà đã đúng.

 

Tôi cho rằng không nên quá ép buộc con cái, cũng không nên để chúng quá tự do. Nhưng thay vì dạy dỗ chúng một cách phát xít, hãy thỏa thuận với chúng trước về điều đó, để chúng biết rằng khi thực hiện được những giới hạn này, chúng sẽ có những điều không giới hạn khác. Khuôn khổ được thỏa thuận, và khuôn khổ một cách ép buộc, khác nhau rất nhiều.

 

Đến giờ tôi vẫn luôn biết ơn bố mẹ mình, vì những “giao kèo” ngày xưa mà chúng tôi đã thỏa thuận với nhau.

 

Đây chỉ là một case của tôi về việc kết nối với con cái. Và chỉ mới ở một góc nhìn. Tôi sẽ biên thêm những góc nhìn khác về tâm lý, cách làm bạn với con mình và vân vân trong những bài sau. 

 

Scroll to Top