“SỬA CHỮA” MỘT MỐI QUAN HỆ?

Mình rất hay tuyên truyền về việc “làm giá” cho phụ nữ xung quanh mình, nhưng thường chỉ người khôn mới nhận ra rằng nếu bạn muốn làm giá với cuộc đời thì trước tiên bạn phải có giá. Còn người ngu muội thì chỉ áp dụng rập khuôn, rồi khi thất bại sẽ ngồi bệt ra bắt đền thiên hạ tại sao tôi đọc đủ thứ thâm sâu trên cõi mạng này mà đời tôi vẫn chẳng ra gì. Vậy rõ ràng là do thông minh xinh đẹp không bằng may mắn, nhỉ?

Như mình đã nói, khi bạn nghĩ rằng thông minh xinh đẹp không bằng may mắn, đấy là do bạn tưởng rằng bạn thông minh thôi. Tương tự, khi bạn muốn làm giá mà giá trị của bạn là âm vô cực, thì đời bạn không ra cái gì là đúng rồi, còn gì nữa đâu mà khóc với sầu?

Rất nhiều người hiểu rằng sửa chữa một mối quan hệ sẽ vô cùng phức tạp, mỏi mệt, rối rắm, hao tốn năng lượng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro hơn là từ bỏ nó, nhưng họ vẫn chọn sửa chữa. Vì từ trong sâu thẳm, họ biết rằng họ sẽ khó mà tìm được một mối quan hệ tốt hơn với hệ số an toàn cao hơn, nếu họ bỏ qua mối quan hệ đang có vấn đề hiện tại.

Nhưng vấn đề là họ không hoặc không dám thừa nhận điều đó. Sau đó, họ sẽ nhân danh tình yêu, nhân danh gia đình, nhân danh công lý… rằng những thứ đó bắt ép họ phải sửa chữa mối quan hệ đã mục ruỗng này, chứ không phải vì họ hèn, hay vì họ kém.

Tài chính không mạnh cũng không dám từ bỏ

Ngoại hình kém cũng không dám từ bỏ

Quen lâu quá không dám bỏ

Đẻ nhiều quá không dám bỏ

Có quá nhiều lý do để không dám, nhưng họ lại đổ cho tình yêu, cho trách nhiệm. Dù rằng những đối tượng mà họ cho rằng mình đang thực thi trách nhiệm, chưa từng yêu cầu điều đó.

Tôi đã từng gặp một người mẹ hai con làm việc như điên, ban ngày làm văn phòng, đêm đi làm kế toán, cuối tuần đi giúp việc nhà, lễ tết nhận đồ về thêu. Chỉ trong 2 năm, từ một cô nhân viên văn phòng kiểu mẫu chỉ làm 8 tiếng 1 ngày, trở thành chủ một chuỗi cửa hàng hoa quả nhập khẩu lớn nhất ở một thành phố ven biển.

Tất cả vì chị muốn bỏ chồng.

Ngay từ thời điểm cái tát đầu tiên giáng xuống khuôn mặt mà anh ta từng nâng như trứng hứng như hoa ấy, chị đã muốn bỏ chồng, nhưng chị chẳng có cái gì trong tay cả. Vì vậy, chị phải cố gắng để có gì đó trong tay.

Sau này chị kể với tôi rằng, ngay cái khoảnh khắc trở thành người “có gì trong tay” đó, chị đã gần như quên đi cảm giác thù hận ngày chị muốn bỏ chồng. Hình như cái mục tiêu đầy đau đớn đó đã mờ dần đi vì chị bận đắm chìm trong niềm vui tự mình tỏa sáng.

Tất cả chúng ta đều mong muốn có được điều tốt nhất phải không?

Khi nhìn thấy một người phụ nữ thành công, chúng ta ước được như người đó.

Khi nhìn thấy một người vợ đắm chìm trong mật ngọt tình yêu, có một người chồng trân trọng chăm sóc từng li từng tí, chúng ta cũng ước được như người đó.

Nhưng những người thực hiện được điều ước đó là những người phân tích được giá trị của những người phụ nữ kia, hiểu ra rằng họ đang nhận được những gì họ xứng đáng. Và cố gắng không ngừng để tạo ra giá trị của chính mình.

Còn những kẻ chỉ biết quan sát và đòi hỏi thì không!

Nôm na là nếu bạn vừa xấu vừa điêu vừa láo thì ai yêu nổi bạn mà đòi được chồng chiều?

Có một câu chuyện rất hay được phụ nữ truyền tai nhau như này:

Người vợ nọ đến ngôi chùa trên đỉnh núi và hỏi sư thầy: “Con phải làm sao để từ bỏ người đàn ông tệ bạc mà con đã lỡ lấy làm chồng?” Trụ trì đưa cho bà một cái ly sứ để bà cầm, rồi từ từ đổ nước sôi vào bên trong. Khi những giọt nước đầu tiên tràn ra khỏi ly chạy vào trong bàn tay của bà, để lại những vết bỏng phồng rộp, người vợ đã vội vã hất tay ra. Cái ly sứ đầy nước sôi cứ thế rơi xuống đất vỡ tan tành.

Trụ trì vuốt râu ra vẻ thâm sâu hỏi người vợ: “Thí chủ đã hiểu vấn đề chưa?”

Người vợ bèn ra vẻ lĩnh ngộ đáp lời: “Dạ, ý của thầy có phải là “đau quá thì tự khắc sẽ buông” phải không ạ?”

“Không” – trụ trì nói – ý của bần tăng là nếu thí chủ có tiền để mua cái ly khác thì thí chủ đã quăng cái ly ra khi những giọt nước sôi đầu tiên rót xuống, vậy thì cũng sẽ không bị bỏng.

 

Bởi vậy quan điểm của tôi rất rõ ràng trong các mối quan hệ của mình, rằng tôi không có trách nhiệm sửa chữa hay làm cho ai đó trở nên hoàn hảo hết. Khi tôi đồng ý bắt đầu một mối quan hệ, tức là tôi chấp nhận trọn vẹn con người đó, từ ưu điểm đến khuyết điểm, từ cái đáng yêu đến cái đáng ghét, mà không cần họ phải thay đổi hay hoàn thiện gì thêm.

Vì vậy trong quá trình của mối quan hệ đó, nếu họ có trở nên tệ hơn, thì đó là vấn đề của họ, không phải là trách nhiệm của tôi.

Trả lời cho vấn đề tại sao không sửa chữa, hàn gắn, nhặt nhạnh, chắp vá, tôi khuyên các người nhìn thẳng vào lương tâm mình đi:

Khi một món đồ bị hỏng, lý do bạn đem nó đi sửa là vì bạn không có tiền mua cái mới!

Hết chuyện.

Scroll to Top