Chị ơi chúng em bằng tuổi nên lúc yêu nhau anh ấy hơi trẻ con, em thường phải chăm sóc anh ấy từng bữa ăn giấc ngủ, kiểu mùa mưa mà không nhắc anh ấy mang ô là anh ấy dầm mưa về xong cảm lạnh còn cười hì hì ấy chị.
Vì tính anh ấy như con nít nên em hay nhường anh ấy trong những việc cần lựa chọn. Ví như đi xem phim nhường anh ấy chọn phim, đi ăn nhường anh ấy chọn món, đi du lịch cũng nhường anh ấy chọn lịch trình… lúc yêu không thấy vấn đề nhưng cưới về anh ấy vẫn thế, em nghĩ anh ấy cần thời gian để thích ứng với cuộc sống hôn nhân nên cũng không thái độ gì, vì em tin rằng hôn nhân sẽ giúp đàn ông trưởng thành và có trách nhiệm hơn. Nhưng nay con em đã 3 tuổi, em lại đang bầu đứa thứ 2, mà anh ấy vẫn thế: ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà bỏ mặc cảm nhận của vợ, ít chia sẻ việc nhà và rất ỷ lại vào vợ: cơm nước dọn dẹp và đưa con đi học, tắm con, chăm con khi ốm đau hầu như đều là em cả… khi nào anh ấy mới trưởng thành hơn hả chị? Em thấy lo lắng và thất vọng vô cùng.
Nghe quen không? Một trong số 10 kịch bản, à không, bi kịch cuộc đời của các mẹ eva đấy. Trường hợp này bản chất cũng như các trường hợp trước: con người thay đổi, khi và chỉ khi bị hoàn cảnh THÚC ÉP, tức là hiện thực liên tục tác động đến họ, gây áp lực khiến họ không chịu nổi và phải cư xử khác đi.
Đây nó đang yên đang lành, mọi thứ ổn định vui vẻ, có cô người yêu (sau là vợ) săn sóc vô cùng, lúc nào cũng nhường nhịn nịnh bợ yêu chiều nó, cưng như trứng hứng như hoa, có con xong cũng không phải tay dính bẩn, không cần phải tất bật trước sau, có cô vợ siêu nhân vừa là nội trợ vừa là trông trẻ vừa là tình nhân vừa kiêm luôn vai mẹ, đa công dụng thế thì nó cần gì học các kỹ năng sống nữa?
Tôi không hiểu tại sao các chị luôn cho rằng hôn nhân là một liều thuốc tiên có thể chữa lành bách bệnh: có thể khiến cho thằng nghiện thôi không hút nữa, cho thằng lười biếng tu chí làm ăn, cho thằng mê kiếp đỏ đen giã từ dĩ vãng, và biến một thằng con trai nhu nhược ích kỷ vô trách nhiệm cùng muôn vàn tính xấu khác thành một thằng đàn ông giỏi giang tự giác tháo vát việc nhà, tâm lý thấu hiểu bà mẹ và trẻ nhỏ?
Tôi thật sự thắc mắc là dựa vào CƠ SỞ nào mà các chị có thể có một niềm tin mạnh mẽ vào một thứ còn trừu tượng hơn cả thánh thần?
Ở nhà nó đã có mẹ rồi, nó yêu cô mà nó săn sóc cô còn chưa chắc đã ăn ai, đây toàn cô săn sóc chăm bẵm nó như con mọn, không cho nó áp lực và mục tiêu để cố gắng, để đánh đổi, xong cô tin rằng hai đứa dắt nhau đi đăng ký kết hôn, vừa ra cổng uỷ ban phường thì BÙM! Phép màu xuất hiện thay đổi cho cô một người chồng với đầy đủ tính năng đời mới trái ngược hoàn toàn với bản chất của anh ấy trước đây?
Này bạn ơi, tỉnh giấc mộng ấy đi!