SỐNG CHUNG VỚI TRẦM CẢM

Một trong những câu tôi thường được hỏi nhất khi chia sẻ về bệnh của mình là: Thế bây giờ đã khỏi hẳn rồi đúng không? Và dường như mọi người đều nghĩ rằng, bệnh trầm cảm cũng như tất cả những bệnh lý khác, bệnh rồi sẽ khỏi.

 

Thực tế thì sao?

 

Tất cả những bác sĩ tôi đã từng điều trị, đều không dùng từ “khỏi bệnh” hay bất kỳ từ ngữ nào tương đương cho những case bệnh về tâm lý, mà họ dùng từ “ổn định”. Người bệnh trầm cảm, có hai trạng thái sẽ xen kẽ suốt cuộc đời của họ, là: ổn định và không ổn định. Và việc chữa trị, thực chất là duy trì và kéo dài sự ổn định về tinh thần của họ.

 

  1. Làm gì khi tinh thần “không ổn”?

Giai đoạn trước khi biết mình “bệnh”, là giai đoạn mơ hồ nhất mà nếu không chọn được con đường đúng đắn để đi tiếp, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

 

Nhiều năm trước không ai dạy tôi những điều này, nên tôi chỉ được đưa đi chữa trị khi bệnh đã bắt đầu trở nặng khiến tôi có biểu hiện nghiêm trọng đầu tiên: muốn chết. Một vài người bạn của tôi thì ngược lại, nhận ra mình “không còn ổn nữa” khi bắt đầu có ý định muốn ai đó phải chết.

 

Cái không-còn-ổn-nữa của mọi người không hề giống nhau. Có người không ngủ được, có người ngủ mãi không tỉnh, có người ăn và tăng cân liên tục, có người chẳng ăn được gì và ốm vặt triền miên vì sức đề kháng quá kém, có người không kiềm chế được sự nóng giận, có người lại mất dần những cảm giác vui buồn hờn giận…

 

Vậy, bất cứ khi nào những biểu hiện khác thường đó kéo dài đủ để ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường từ trước đến nay của bạn, bạn cần đi khám.

 

Khám ở đâu?

 

Chia buồn, nơi chúng ta nên đến nhất không phải là văn phòng tư vấn tâm lý với mức giá mấy chục đô 1 giờ, không phải là phòng khám tư nhân với lời giới thiệu “trang thiết bị tối tân, bác sĩ đến từ bệnh viện abc xyz, bảo mật tuyệt đối thông tin người bệnh…” mà là: Bệnh viện Tâm Thần.

 

Không nói nhầm đâu, tôi đang nói Bệnh viện Tâm Thần 192 Hàm Tử tại Hồ Chí Minh và Bệnh viện tâm thần Trung Ương tại Hà Nội. 

 

Ai lúc bệnh cũng nghĩ mình bị “nhẹ thôi”, và hoảng sợ khi nghĩ đến một người tỉnh táo như mình phải đến một nơi toàn bệnh nhân tâm thần.

 

Thực tế, Bệnh viện Tâm thần không chỉ có những kẻ điên, họ có hẳn 2 khoa chuyên biệt dành cho các bệnh về tâm lý, một cho người trưởng thành, một khoa Tâm lý tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Không khí khám bệnh ở bệnh viện tâm thần cũng rất… bình thường. Người ta cũng đăng ký, lấy số, vào phòng khám, rồi lấy thuốc, trả tiền, đi về, không có gì đáng sợ hơn các bệnh viện khác cả. Nhưng đây là địa chỉ duy nhất mà các bác sĩ có quyền hạn tối cao để kê cho các bạn những đơn vị thuốc nằm ngoài danh mục của các phòng khám hay bệnh viện tư nhân, trong trường hợp bệnh trạng hay cơ địa của người bệnh cần những loại thuốc đó. Ở đây, người bệnh cũng có thể được điều trị với chi phí thấp nhất có thể.

 

Tôi từng hoảng hốt suốt cả tuần khi biết tuần sau mình phải vào viện tâm thần để khám, từng một mình cầm sổ khám bệnh đứng khóc huhu ngoài cổng bệnh viện, miệng lẩm bẩm những lời vô nghĩa, người run bần bật và hoảng sợ tột độ đến nỗi bảo vệ phải “mời” tôi vào ngồi cho bình tĩnh lại. Và còn rất nhiều, rất nhiều những ngưỡng thử thách cảm xúc nữa mà bạn phải “nhắm mắt đưa chân” làm theo nếu muốn sống lại một cuộc sống bình thường.

 

  1. Bệnh rồi thì phải làm sao?

Bác sĩ bảo gì nghe nấy!

 

Tuyệt đối không nghe con A, thằng B, bà C, anh D cô chú bác họ hàng bạn bè các thứ. Kệ mẹ nó có bệnh hay đang bệnh hay đã bệnh hay sắp bệnh, vì mỗi một người bệnh là một trường hợp khác biệt và tách biệt hoàn toàn lẫn nhau. Mình chỉ bị bệnh tâm lý thôi, nghe theo nó thì hóa ra tâm thần à?

 

Bác sĩ sẽ cho bạn đi đo điện não, đi xét nghiệm chụp chiếu, trắc nghiệm tâm lý, nói chung khám cả phần cứng lẫn phần mềm, thỉnh thoảng sẽ hỏi bạn vài câu làm bạn khó chịu để thử phản ứng vậy nên nói chung hãy thành thật với bác sĩ, họ không học hành cả nửa đời người với sứ mệnh hại bạn.

 

Bảo uống thuốc ngày mấy lần, lần mấy viên, cứ làm y như thế. Bảo em bệnh chưa nặng, chưa cần uống thuốc, em về ăn uống ngủ nghỉ tập thể dục thể thao chịch choẹt đều đặn, cũng cứ làm y như thế. Điều trị trầm cảm, hãy thanh thản, từ từ, tự tại, vì bạn còn cả đời để sống với nó, nên đừng hấp tấp nóng nảy, hãy giữ “hòa khí” để còn sức mà thỏa thuận với nó.

 

  1. Lúc “lên cơn” thì làm gì?

Cả trước và sau khi “ổn định”, sẽ có những lúc tâm trí của người bệnh mất hoàn toàn kiểm soát cả về cảm nhận lẫn hành vi. Một sai lầm nhỏ xíu cũng đủ làm họ phát điên, một câu bông đùa bình thường cũng đủ làm họ nghĩ đến những chuyện tiêu cực.

 

Thật buồn khi phải thừa nhận rằng, chúng ta không thể vượt qua điều đó một mình. Chúng ta cần có người thân, người yêu, những người sẽ không buồn giận khi căn bệnh của chúng ta làm tổn thương họ, cần họ ở bên giữ chúng ta “điên có kiểm soát” để không làm điều gì hối hận khi đã hết cơn.

 

Khi đã bắt đầu có kinh nghiệm đối phó với cơn bệnh của mình, tôi học được cách điều chỉnh cảm xúc tiêu cực đúng lúc để nó không bùng phát.

– Tắt hết mọi thiết bị điện tử, cất hết dao kéo vật nhọn, vật nguy hiểm ra khỏi tầm tay, đóng cửa phòng, đi ngủ. Nếu thường xuyên khó ngủ, hãy khai thật với bác sĩ để xin được cấp thuốc an thần dùng cho những trường hợp này.

 

– Trong trường hợp không đủ không gian và thời gian cho một giấc ngủ, hãy rời khỏi nơi bạn đang ngồi trong vài phút, rót một ly nước lọc, nhắm mắt, hít sâu và thở đều sao cho mỗi lần hít đầy dung tích phổi và thở ra cũng cạn, vừa hít thở vừa uống hết ly nước.

 

Chưa quen làm điều này, hãy tải Calm. Đây là một ứng dụng cho di động, nhẹ, không chiếm nhiều dung lượng và rất… vô vị. Bạn chỉ cần bật ứng dụng lên, nhìn màn hình, nó bảo hít thì hít, bảo thở thì thở, vài vòng là tự nhiên thấy lòng nhẹ nhàng đi hẳn.

 

  1. Cải tạo cuộc sống của bản thân như thế nào sau khi đã ổn định?

Khi bác sĩ đã tuyên bố “tha” cho bạn, và ngưng điều trị, họ sẽ tự đưa ra những lời khuyên cho bạn, đừng nghĩ nó sáo rỗng và công thức, vì thực tế những điều bạn cần đúng là như thế.

 

Đừng lúc nào cũng để bản thân nặng nề vì bị bệnh, cũng đừng quên đi nó. Chỉ cần nhớ rằng, tố chất tâm lý của chúng ta yếu hơn những người khác, vì vậy chúng ta cần sống vui vẻ hơn, cẩn thận hơn, và sống một cách trân trọng hơn.

 

Chia sẻ với những người thân thuộc của bạn về tình trạng của mình. Chồng/ vợ bạn cần được biết rằng bạn đời của họ có một “tiền sử” về tâm lý, họ cần được biết bạn sẽ như thế nào và họ sẽ phải làm sao nếu điều đó chẳng may lại diễn ra.

 

Một người không đủ an toàn để bạn “thú nhận”, không đủ mạnh mẽ để dung hòa sự không mạnh mẽ của bạn, không đủ bao dung để yêu thương khiếm khuyết của bạn, thì đó không phải là người dành cho bạn. Nhớ là họ không có lỗi gì cả, chỉ là không phù hợp với bạn, thế thôi.

Tập nghĩ đơn giản hơn và sống bận rộn hơn.

 

Hãy tập một môn thể thao với một tần suất cố định: chạy bộ mỗi buổi sáng, đi bơi mỗi cuối tuần, yoga 30 phút mỗi ngày hay càng tốt hơn hết là bất cứ thứ gì bạn thấy hứng thú: làm bánh, massage, sexy dance, múa cột, nhạc cụ… và cố gắng duy trì nó.

 

Bớt suy diễn.

 

Hôm nay ông chồng đi làm về trễ, nhậu nhẹt bê tha, làm bạn khó chịu, để ổng ngủ cho tỉnh, hôm sau mời ổng ngồi xuống ăn miếng bánh uống miếng nước, nghe tí nhạc nhẹ, nhẹ nhàng bày tỏ với ổng sự không hài lòng và mong muốn ổng sẽ như thế nào. Đừng giữ nó trong lòng.

Con bạn hôm nay nói mấy câu xỉa xói, gọi nó ra bảo tao không thích thế, mày sau đừng làm thế. Nó còn láo thì cho nó cút.

 

Trên Facebook có đứa sân si với bạn. Không nói nhiều, block nó đi, xong!

 

Đừng tiếp xúc với những luồng suy nghĩ tiêu cực.

Bà hàng xóm hay lên Facebook kể khổ, nói xấu tất tần tật mọi thành viên trong gia đình, cho bả out khỏi đời mình.

 

Mấy cô mấy chị cùng chung cư hay tụ tập xăm soi đời tư của từng nhà, gặp mấy bà thì gật đầu chào, cười duyên dáng rồi đi.

 

Con bạn suốt ngày gọi ra để khóc lóc kể lể, hạn chế liên lạc mà nó vẫn còn không tự biết ý thì cho nó next luôn.

.

Thành thật với cảm xúc của mình, chia sẻ nó khi cần, là cách tốt nhất và duy nhất giúp bạn vượt qua những tiêu cực về mặt cảm xúc, không chỉ với những người bệnh trầm cảm.

 

Đó là lí do tôi viết bài này, vào những ngày cuối cùng của Cuộc thi viết về chủ đề Mạnh mẽ sống, để tiếp thêm niềm tin cho những con người đang chìm sâu trong yếu đuối và tuyệt vọng.

 

Rằng nếu quá mỏi mệt, họ không cần phải cố sức gồng lên để mạnh mẽ, chúng ta còn cả một đời để học cách mạnh mẽ, đừng vì nôn nóng mà hủy hoại nó. Cái bạn cần phải vượt qua, không phải là căn bệnh, mà là chính mình.

 

Chúc tất cả chúng ta, đều bình yên.

Scroll to Top